Có lẽ đây là những ngày nặng nề, tuyệt vọng nhất trong cuộc đời ông Nguyễn Bá Khân (50 tuổi, trú tại xóm 5, xã Mã Thành- huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Qua tấm kính mờ khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc (Bệnh viện ĐK 115 Nghệ An), nhìn vợ mình nằm đó, bất động, xung quanh là chi chít máy móc, dây truyền… ông chỉ biết xót xa, cầu mong một phép màu để ông còn có vợ, các con cháu còn có mẹ, có bà.
Bà Lê Thị Hợi (50 tuổi) phát hiện bị bệnh xơ cứng bì hệ thống tháng 4/2016. Điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đến năm 2019, bà mắc thêm bệnh suy thận mãn phải điều trị lọc máu chu kỳ, tại Bệnh viện ĐK 115. Quanh năm suốt tháng gắn bó với bệnh viện, vợ chồng bà thuê trọ gần đó. Thời gian bà chạy thận, ông kiếm việc làm thuê đắp đổi qua ngày.
Cách đây nửa tháng, bà đột nhiên đau bụng phải cấp cứu. Qua thăm khám, Bệnh viện chẩn đoán thủng túi thừa trực tràng. Bà được bệnh viện tuyến trên phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo. Tuy nhiên, sau mổ 5 ngày, bệnh nhân bị viêm phổi nặng đã được mở khí quản, vết mổ không liền, tiên lượng xấu. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không đi được lên tuyến cao hơn, nên người chồng đã xin đưa vợ về Bệnh viện ĐK 115 chữa trị.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân vẫn rất xấu: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy tim trên nền bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý nội khoa nặng nề. Vết thương sau phẫu thuật toác ra, nhiễm trùng bốc mùi nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân đã cắt được vận mạch, hết sốt, tỉnh táo hơn.
Ông Nguyễn Bá Khân tâm sự, vợ chồng xây dựng gia đình với nhau hơn 30 năm. Cuộc sống thuần nông lam lũ, nuôi dạy 4 đứa con ăn học, chưa một ngày vợ ông hết tất bật kham khổ. Khi các con trưởng thành hơn, 2 đứa đầu làm công nhân ở Sài Gòn, Hà Nội, những tưởng vợ chồng đỡ vất vả, thì bà đổ bệnh. BS Nguyễn Thị Liên (Khoa Thận Nhân tạo) cho biết: Bệnh nhân Hợi lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần, nhưng thường xuyên phải cấp cứu vì viêm phổi ,tràn dịch màng phổi do thiếu albumin nhiều. Bà cứ ra viện ít bữa lại vào, điều trị rất vất vả.
Trong gia đình, nếu chỉ một người trọng bệnh đã khốn khổ. Nhưng, gia cảnh nhà bà còn bi đát hơn khi vào năm 2020, con trai thứ hai của ông bà phát hiện ung thư phổi. Hai năm nay gia đình vừa phải tập trung điều trị cho cả mẹ, cả con đến cùng kiệt cả sức lực lẫn tiền bạc.
Để tiếp tục điều trị, bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng nhiều thuốc ngoài danh mục Bảo hiểm y tế, trong đó đắt đỏ nhất là Albumin và một số loại kháng sinh. “Tôi bất lực khi không còn tiền để mua thuốc cho vợ nữa. Cha con, anh em đã huy động, vay mượn lâu nay rồi, không còn chỗ nào để vay thêm. Còn căn nhà ở quê, muốn bán thì cũng không bán được ngay, mà tiền thì cần mỗi ngày 5-6 triệu. Sáng nay, tôi đã nói với bác sĩ rằng tôi hết cách rồi”. Ông Khân nói trong nước mắt…
Trao đổi với chúng tôi, Ths BS Phùng Đức Lâm, Trưởng khoa HSCC-CĐ cho biết: Bệnh viện đã hội chẩn toàn viện để đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân Hợi. Để cứu chữa được cần có sự quyết tâm của cả gia đình và đội ngũ chuyên môn. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân rất khó khăn, nên không biết còn có thể cầm cự trong bao lâu nữa”.
Những ngày qua, chồng và các con của bà Hợi túc trực ở hành lang bệnh viện, thắc thỏm chờ đợi mọi diễn biến mới của người thân mình. Họ khẩn cầu sự giúp đỡ của cộng đồng để có thêm cơ hội cứu chữa. Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về:
CÔNG ĐOÀN BV115- STK 1025474968- Ngân hàng Vietcombank