Thay đĩa đệm cổ nhân tạo lần đầu tiên tại Nghệ An

THAY ĐĨA ĐỆM CỔ NHÂN TẠO:  MỘT GIẢI PHÁP HỮU ÍCH CHO NGƯỜI BỆNH TRẺ TUỔI BỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống chiếm khoảng 80% bệnh lý của cột sống, trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đứng thứ hai, sau thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa. Đây là sự đan xen giữa quá trình thoái hóa sinh học (lão suy do tuổi tác) với quá trình thoái hóa bệnh lý (bệnh lý xương khớp, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa…) và các sang chấn trong đời sống lao động khác nhau của mỗi người, đặc biệt là những người có hoạt động gây tăng lực chịu tải lên cột sống cổ.

Quá trình thoái hóa thường diễn ra âm thầm lặng lẽ trong một thời gian dài trước khi xuất hiện thoát vị đĩa đệm và những biến đổi về hình thái cấu trúc cột sống. Các dấu hiệu đau tê bì vùng sau cổ lan xuống bả vai, cánh tay, bàn tay và ngón tay… là những dấu hiệu gợi ý một bệnh cảnh thoái hóa cột sống cổ.

Khi có một trong những dấu hiệu này, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa. Việc phát hiện sớm để dự phòng và điều trị thoái hóa cột sống sớm có thể không để xảy ra thoát vị đĩa đệm hoặc nếu có bị thoát vị thì cũng ở mức nhẹ mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Ngày nay, với sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (đặc biệt là cộng hưởng từ), việc chẩn đoán các thoát vị đĩa đệm cột sống cổ không khó. Khi được chẩn đoán xác định trên lâm sàng và cộng hưởng từ, nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được khuyến cáo nên được phẫu thuật sớm. Sự trì hoãn phẫu thuật có thể để lại các di chứng: tê, bại yếu tay chân, rối loạn đại, tiểu tiện…giai đoạn này thường để lại di chứng và điều trị cũng khó phục hồi.

Phương pháp điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Có nhiều phương pháp điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Phương pháp kinh điển và đến nay vẫn được áp dụng phổ biến, đó là lấy bỏ đĩa đệm, ghép xương bằng miếng ghép đĩa đệm vật liệu PEEK( hoặc xương ghép tự thân) kết hợp nẹp vít phía trước (ACDF) hoặc sử dụng miếng ghép đĩa đệm 2 trong 1 mà không cần sử dụng nẹp vít (Prevaill, Divergene). Tuy nhiên những phương pháp này có hạn chế làm tăng nguy cơ thoái hóa tiến triển các đĩa đệm liền kề sau phẫu thuật.

Để khắc phục tình trạng trên, phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo ra đời. Ý tưởng của phương pháp này có từ những năm 1950 cho đến những năm 1980. Tuy nhiên, đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cổ mới bắt đầu được thực hiện.

Đến tháng 6/2004,  Hiệp hội thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới công nhận phương pháp điều trị này.

Phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống cổ nhân tạo được coi là một bước đột phá mới của Y học hiện đại trong điều trị những tổn thương đĩa đệm vùng cột sống cổ. Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ có nhiều ưu điểm:

  • Việc thay đĩa đệm nhân tạo giúp phục hồi chiều cao khoảng liên đốt sống sau khi đã lấy bỏ đĩa đệm đã bị hỏng hoặc đĩa đệm chèn ép tủy và rễ.
  • Cấu tạo của đĩa đệm nhân tạo giúp bảo tồn, duy trì được sự vận động của các tầng đốt sống lân cận liên quan, hạn chế tối đa sự thoái hóa tiến triển của các mức này.

Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo là kỹ thuật cao, chuyên sâu thuộc lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, cột sống, đòi hỏi các Phẫu thuật viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị phòng mổ hiện đại gồm kính hiển vi phẫu thuật, máy khoan tốc độ cao, hệ thống X-quang di động (C-arm) trong phòng.

Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ tại Bệnh viện Ngoại khoa 115 Nghệ An

Vừa qua tại khoa Phẫu thuật thần kinh – Bệnh viện Ngoại khoa 115 Nghệ An đã tiếp nhân chị H.T.H (38 tuổi – TX. Cửa Lò) vào viện với lý do đau vai gáy từ hơn 1 năm nay. 10 ngày gần đây đau vùng cổ, vai, tê yếu hai tay (tay phải nặng hơn tay trái), đi lại yếu kèm theo đau đầu nhiều. Người bệnh vào viện phải truyền thuốc giảm đau mạnh. Qua phim MRI cột sống cổ cho thấy có khối thoát vị đĩa đệm C4/C5 , các Bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định mổ lấy khối thoát vị chèn ép.

Rách vòng xơ, thoát vị đĩa đệm tầng C4-5
Rách vòng xơ, thoát vị đĩa đệm tầng C4-5

Sau khi lắng nghe sự tư vấn và giải thích từ đội ngũ chuyên môn, người bệnh đồng ý phẫu thuật và lựa chọn phương pháp thay đĩa đệm cổ nhân tạo. Bác sĩ CKII Hoàng Hoa Thám và ê kíp tiến hành ca mổ trong khoảng 90 phút và đã thành công như mong đợi.

Sau mổ ngày thứ 2, người bệnh hoàn toàn hết đau, hết tê buốt cổ vai gáy, các ngày sau người bệnh đã có thể  tự đi lại sinh hoạt nhẹ nhàng với nẹp cổ tăng cường. Thời gian lưu trú từ lúc nhập viện của người bệnh chỉ 1 tuần.

Hình ảnh Xquang sau phẫu thuật
Hình ảnh Xquang sau phẫu thuật

Ca mổ ghi nhận lần đầu tiên tại Nghệ An đã phẫu thuật thành công cho người bệnh thay đĩa đệm cổ nhân tạo.

Thay đĩa đệm cổ nhân tạo tại nghệ an
Bác sĩ CKII Hoàng Hoa Thám thăm khám cho Người bệnh sau phẫu thuật

Để được hỗ trợ tư vấn, Quý khách vui lòng liên hệ: 

BỆNH VIỆN NGOẠI KHOA 115 NGHỆ AN

Phòng CSKH: 1900 56 56 15

Vận chuyển cấp cứu: Trong tỉnh: 115 – Ngoại tỉnh: 0238 115

Thời gian làm việc: Tất cả các ngày trong tuần

Địa chỉ: Đối diện Bệnh viện Đa khoa 115 – Đại lộ Lê Nin, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button